Peterson là người Canada đã sống ở Việt Nam trong 6 năm. Anh có thể giao tiếp, đọc viết tiếng Việt tốt và đang giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh viết:
"Khi tìm kiếm một nửa còn lại của đời mình, đương nhiên bạn sẽ không chọn bạn đời chỉ vì vẻ ngoài mà còn phải hiểu tính cách của họ. Trong khi đó, khi chọn sách, chúng ta thường có xu hướng "đánh giá sách qua trang bìa" nên thường mắc sai lầm.
Sách dạy tiếng Anh ở Việt Nam, kể cả những cuốn được sản xuất ở nước ngoài, tuy có thiết kế thu hút và hấp dẫn nhưng lại có hiệu quả không cao với nhiều học viên Việt. Tuy được cải tiến liên tục, chúng không đi đúng hướng và nhắm vào đa số đám đông chứ không dành cho một nhóm đối tượng cụ thể, trong khi người Việt gặp những vấn đề riêng biệt khi học tiếng Anh do đặc thù ngôn ngữ mẹ đẻ. Sách giáo khoa do Việt Nam biên soạn cũng chưa xác định rõ những vấn đề này.
Khi chọn lựa phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả, cần phải xét xem người đó đến từ nước nào, học ngôn ngữ gì. Sự phức tạp trong phát âm, hệ thống âm sắc, ngữ điệu của tiếng Việt khác biệt so với các ngôn ngữ khác. Do đó, cần phải chú ý nhiều hơn đến mối tương quan giữa tiếng Việt và tiếng Anh.
Thực tế, người Việt có nhiều vấn đề cần chú ý khi học tiếng Anh. Học viên Việt thường có xu hướng bỏ qua số nhiều khi sử dụng danh từ. Nếu sách dạy nhận ra sự khác biệt này và có bài giảng nhắc nhở người học liên tục thì học viên sẽ tránh mắc sai lầm. Khi sử dụng động từ, tiếng Việt không có thì quá khứ và tương lai rõ ràng. Vì vậy, vấn đề này cần được chú trọng nhiều hơn trong sách dạy thiết kế riêng cho người Việt.
Một khác biệt nữa mà người học cần quan tâm là phát âm. Âm (θ) trong tiếng Anh, khi đọc phải đưa lưỡi ra cùng không khí, khác với âm (th) trong tiếng Việt, nhưng nhiều người thường đọc chúng giống nhau. Một cuốn sách với nhiều bài học và hình ảnh minh họa đúng vị trí của miệng khi phát âm một từ sẽ rất hữu ích cho học viên Việt Nam.
Về mạo từ, tiếng Việt chỉ có chữ "nhiều" nên học sinh thường gặp khó khăn khi phân biệt "many" và much". Cách "an toàn" nhất cho người mới học là chỉ sử dụng "a lot of" vì có thể dùng với cả danh từ đếm được và không đếm được. Tuy nhiên, cách này dẫn đến việc lặp từ và diễn đạt nhàm chán khi viết luận.
Ngoài ra, một vấn đề khác là cấu trúc bài học trong sách luôn lặp đi lặp lại, như từ vựng, đối thoại, ngữ pháp..., khiến chính bản thân giáo viên cảm thấy nhàm chán và mất cảm hứng truyền đạt. Vì vậy, việc xây dựng giáo trình thú vị, có nhiều hoạt động mới lạ và khác biệt giữa các bài học là điều quan trọng và cần thiết. Khi đó, giáo viên sẽ cảm thấy nhiệt tình, hứng thú hơn trong việc dạy học và cảm xúc tích cực đó cũng sẽ truyền sang cho học viên. Đó là nguồn cảm xúc cần được phát triển và bồi đắp liên tục trong quá trình dạy và học để đạt được hiệu quả tốt.
Học sinh Việt thường mắc phải sai lầm là chọn sách không phù hợp với khả năng của bản thân. Họ thường nghĩ rằng họ sẽ tiến bộ hơn khi học sách ở trình độ cao hơn so với năng lực. Tuy nhiên, việc này lại phản tác dụng, khiến các học viên bối rối, hoang mang và khó chủ động học. Tâm lý lo lắng, thiếu tự tin sẽ làm cho người học nhanh chóng mất đi động lực, nản lòng với những mục tiêu mà họ đặt ra ban đầu.
Gần như tất cả trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam đều mắc phải sai lầm, đó là chỉ "khoán gọn" giáo viên dạy một hoặc hai trang trong một buổi học tiếng Anh. Bằng cách này, trung tâm tiết kiệm chi phí vì chỉ cần sử dụng một giáo trình trong một khóa học khoảng 2, 3 tháng nhưng lại bó hẹp khả năng mở rộng và đào sâu kiến thức, làm giáo viên chán và học viên nản.
Học đúng phương pháp khi mới làm quen với tiếng Anh là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Học sai phương pháp từ đầu sẽ tạo ra thói quen xấu và nếu muốn bỏ thói quen đó thì phải tốn nhiều thời gian rèn luyện. Một cuốn sách khắc phục được khó khăn của người Việt khi học tiếng Anh sẽ là bàn đạp đưa học viên theo đúng đường. Biên soạn sách hiệu quả là việc làm cần thiết để giúp ích cho thế hệ học tiếng Anh tiếp theo ở Việt Nam".
Jesse Peterson