Vượt qua rào cản ngôn ngữ khi đi du học
Kể cả những người có khả năng ngôn ngữ vững vàng cũng không thích ứng kịp với môi trường bản xứ, nơi từ lóng được sử dụng một cách thường xuyên trong giao tiếp và từ vựng chuyên ngành. Du học là một cơ hội lớn trong cuộc đời, làm thế nào để tận dụng khoảng thời gian đó cho tương lai? Vượt qua rào cản ngôn ngữ, sẵn sàng tiếp thu tri thức là giải pháp!
“Mở lòng” từ cái nhìn đầu tiên
Tâm lý luôn sẵn sàng chào đón, làm quen những người bạn mới ở những tuần đầu tiên. Bạn có thể sử dụng các lực đòn bẩy như các buổi sinh hoạt đầu năm của trường, khoa… đây là những có hội để gặp gỡ các bậc tiền bối đi trước, nhận những lời khuyên, hỗ trợ từ họ và cũng dễ dàng mở lời dù tiếng Anh còn lắp bắp, vì cũng có nhiều “gã” như bạn đấy, nhìn đối diện xem họ cũng đang đi tìm những người bạn.
Tạo môi trường ngoại ngữ trong đời sống
Thường thì tâm lý du học sinh Việt thích chơi với bạn người Việt hơn, để “chém” tiếng Việt hàng ngày mà không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, đây là nhược điểm dẫn đến khó thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp với người bản xứ.
Để không bị bỏ rơi, lạc lõng giữa xứ người, bạn cần tận dụng khoảng thời gian ban đầu tụ tập bạn bè. Thường thì những “nhóm hội” sẽ được thành lập từ những cái ấn tượng của ngày đầu tiên và họ có thể chơi thân với nhau đến cuối khóa học. Những người bạn nước ngoài có thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học chung. Bạn có thể mượn vở ghi chép của họ nếu không nghe kịp bài giảng trên lớp hoặc nhờ họ hướng dẫn lại bài.
Vận dụng tất cả “vốn liếng” khi đi du học
Trong balô luôn sẵn sàng từ điển trực tuyến của điện thoại, các ứng dụng Ipad và ngôn ngữ cơ thể. Việc sử dụng các cử chỉ chân tay cần phải chú ý, không khéo léo sẽ gây phản cảm, hiểu lầm trong giao tiếp. Thậm chí, bạn tận dụng sở trường, thế mạnh của bản thân, tham gia chơi các môn thể thao, đánh đàn và ca hát, chúng sẽ giúp bạn hòa nhập, có liền một nhóm cùng “niềm vui” ngoài giờ đến lớp.
Ngừng tham lam và lười biếng
Nếu tiếng Anh của bạn vẫn chưa vững, đừng tham lam theo học một ngoại ngữ mới, mà tập trung vào nó. Thật vô ích, nếu cứ học từ mới rồi mang về nhà “muối dưa” thay vào đó, bạn cần viết ra giấy ghi chú và thực hành với người đối diện để “nạp” vào não và biến thành thói quen.
Trưởng thành từ các hoạt động ngoại khóa
Cần phải xuống phố, dạo quanh những con chợ để học các từ vựng mà trong sách không có, tương tác với người dân địa phương giúp bạn hiểu rõ về đời sống khu vực đó. Đừng ôm điện thoại, đếm “like” trên facebook thay vào đó đăng ký tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng, các câu lạc bộ, học nhóm và các chương trình du lịch địa phương. Những chương trình này làm bàn đạp lớn để bạn nhanh chóng học được các từ lóng, thành thạo tiếng Anh bản xứ.
Du học là từ bỏ những thứ quen thuộc, làm quen dần với những cái mới lạ, kể cả ngôn ngữ. Áp dụng những cách trên sẽ giúp giảm khó khăn khi đối diện rào cản ngôn ngữ những ngày đầu du học, từ vựng chuyên ngành và từng lóng trong giao tiếp không còn quá khó.
Báo Tuổi trẻ